Từ xa xưa trong cộng đồng người Trung Quốc, yến sào được xem như là một món ăn của tầng lớp quý tộc. Nó được xem như là biểu tượng của sự giàu có và quyền lực. Nó được sử dụng làm thuốc trong Y Học Cổ Truyền của Trung Quốc trong các triều đại xưa và đã phổ biến rộng rãi trong thế giới hiện nay.
1Các chất dinh dưỡng trong yến sào
Cả dinh dưỡng đa lượng và vi lượng đều có trong yến sào
Yến sào ngoài việc là một món ăn ngon còn được biết đến là một phần của y học cổ truyền Trung Quốc trong hơn 1000 năm, và được cho là có đặc tính dinh dưỡng và dược liệu cao.
Thành phần nhiều nhất có trong yến sào là protein. Protein đóng một vai trò đặc biệt trong cơ thể con người, đặc biệt là trong việc sửa chữa và xây dựng các mô cơ thể.
Carbohydrate
Các nguyên tố vi lượng như canxi, natri, magiê, kẽm, mangan và sắt.
Yến sào cũng chứa rất nhiều hợp chất, hoạt tính sinh học có thể có tác dụng tăng cường sức khỏe bao gồm: glucosamine, acid sialic, acid béo, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và acid amin.
2Lợi ích của yến sào đối với sức khỏe
Sử dụng yến sào mỗi ngày có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể
Theo Y học cổ truyền Trung Quốc yến sào có tác dụng như một phương thuốc chữa các bệnh như bệnh lao, hen suyễn và các vấn đề về dạ dày.
Người ta cũng nói rằng yến sào có khả năng làm tăng ham muốn tình dục, tăng cường chức năng miễn dịch, tăng cường sức mạnh và sự trao đổi chất.
Chống lại bệnh tật
Một số hoạt tính sinh học được tìm thấy trong yến sào có khả năng ức chế virus cúm. Ngoài ra, chiết xuất của yến sào còn có tác dụng chống lão hóa, hỗ trợ bệnh nhân ung thư, tác dụng chữa lành vết thương giác mạc, kích thích tăng sinh tế bào gốc có nguồn gốc từ mỡ ở người, … [1]Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu thêm yến sào có thật sự có khả năng chống lại các loại bệnh trên đặc biệt là có thể tiêu diệt tế bào ung thư đang phát triển nhanh chóng.
Điều trị xương khớp
Yến sào có tác dụng gia tăng mức độ canxi và khả năng chắc khỏe của xương
Yến sào có chứa estradiol. Nó là một trong những hormone của estrogen được dùng để điều trị các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, kích thích. Ngoài ra estradiol còn được sử dụng để ngăn ngừa loãng xương. Chính vì thế việc sử dụng chiết xuất của tổ yến hàng ngày có thể làm tăng sức mạnh của xương, và hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp.
Cải thiện chức năng não bộ
Yến sào giúp cải thiện chức năng não bộ
Một nghiên cứu chứng minh rằng yến sào có thể có đặc tính bảo vệ não, tăng cường trí nhớ và sự tập trung của não bộ. [2]
Theo một thí nghiệm đánh giá có hệ thống trên động vật cho thấy rằng yến sào giúp tăng cường hiệu suất nhận thức bằng cách giảm viêm và stress oxy hóa. [3]
Hỗ trợ bệnh lý tiểu đường
Nguyên nhân chính gây ra các biến chứng mạch máu ở bệnh tiểu đường là tăng stress oxy hóa do tăng đường huyết. Yến sào vừa có giá trị về mặt y học vừa có giá trị về mặt dinh dưỡng.
Một nghiên cứu trên chuột đã chứng minh rằng yến sào có thể bảo vệ mạch máu của những người mắc bệnh tiểu đường khỏi stress oxy hóa. [4]
Nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm về chủ đề này về thử nghiệm ở trên người.
Bảo vệ làn da
Yến sào trở thành một xu hướng trong chăm sóc sắc đẹp
Yến sào từ lâu đã được biết đến với công dụng làm đẹp của nó. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng yến sào làm cho làn da trẻ trung, có khả năng dưỡng ẩm, làm trắng và bảo vệ da khỏi quá trình oxy hóa. [5]
3Cách chế biến yến sào và lưu ý khi sử dụng yến sào.
Cách chế biến yến sào:
Không có ai có thể phủ nhận lợi ích tuyệt vời của yến sào đối với sức khỏe, nhưng chúng ta phải biết cách chế biến chúng để nhận được giá trị dinh dưỡng tốt nhất.
Làm sạch các tổ yến có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ
Yến sào được dùng nhíp làm sạch lông, cát và các mảnh vụn khác một cách tỉ mỉ trước khi dùng.
Để làm ra được thành phẩm, tổ yến sẽ được đem đi chưng với đường phèn. Qúa trình chuẩn bị mất rất nhiều công đoạn và thời gian.
Bạn nên ăn yến sào khi bụng đang rỗng. Thời điểm thích hợp nhất để ăn yến sào là buổi sáng mới thức dậy, buổi tối trước khi đi ngủ 1 tiếng. Yến sào sẽ giúp các cơ quan tiêu hóa khởi động nhẹ nhàng và hấp thu dưỡng chất vào cơ thể tốt hơn.
Bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể là rất tốt, nhưng cái gì nhiều quá cũng là không tốt. Yến sào cũng cần được sử dụng một cách hợp lý, cần ăn một lượng vừa đủ để các chất dinh dưỡng hấp thụ một cách hiệu quả. Các chuyên gia khuyến cáo về liều lượng yến sào theo độ tuổi như sau:
- Trẻ em 1 – 12 tuổi: 3g yến sào khô/lần
- Trẻ vị thành niên và người lớn: 5g – 10g yến sào khô/lần
- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai tháng 4 – 7 có thể ăn trung bình 100g/tháng, dùng đều đặn cách ngày khoảng 7g/lần. Phụ nữ mang thai tháng 8 – 9 nên giảm liều lượng 70g/tháng, dùng cách ngày khoảng 5g/lần.
- Người lớn tuổi: Yến sào đặc biệt tốt cho người lớn tuổi, đặc biệt là người già mới ốm dậy và sau khi phẫu thuật.
- Người bình thường: Nếu bạn muốn tăng cường sức khỏe thì nên ăn yến sào lâu dài và đều đặn 2 lần/tuần với liều lượng khoảng 5g/lần là đủ.
Lưu ý khi sử dụng yến sào:
Một số người có thể bị dị ứng với yến sào và có thể bị sốc phản vệ đe dọa tính mạng sau khi ăn. Vì nước bọt của chim yến, côn trùng bị chim yến ăn và các hoạt động vệ sinh tổ yến đều có thể là nguồn gây ra phản ứng dị ứng cho người. Ngoài ra vi khuẩn có trong yến sào có thể gây ngộ độc thực phẩm. Các vi sinh vật cần quan tâm bao gồm E. coli , Salmonella , Staphylococcus aureus , nấm men và nấm mốc.
Yến sào được biết đến với nhiều công dụng tốt cho cơ thể con người, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, vì giá trị to lớn mà nó mang lại đối với sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ để sử dụng yến sào mang lại lợi ích nhất cho sức khỏe của bạn.