Thời điểm giao mùa là lúc thời tiết và độ ẩm trong không khí thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn có hại phát triển và tấn công sức khoẻ của con người. Ở thời điểm này, cơ thể chúng ta rất dễ mắc phải một số triệu chứng như cảm cúm, sốt ho, nhức mỏi và có thể gặp các vấn đề liên quan đến hệ hô hấp, tiêu hoá… Do đó, việc duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh, một sức khỏe dẻo dai trong thời điểm giao mùa chính là mối quan tâm của nhiều gia đình Việt.
Hiện nay, không ít gia đình đã thường xuyên lựa chọn sử dụng yến sào như một loại thực phẩm có tác dụng bồi bổ và duy trì sức khỏe cho các thành viên. Theo nghiên cứu, những dưỡng chất trong yến sào có tác dụng tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa đầy nhạy cảm.
Nói về yến sào, chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến món yến chưng đường phèn truyền thống. Tuy nhiên, từ một nguyên liệu là yến sào, chúng ta có thể “biến tấu” ra hàng trăm món ăn ngon, có lợi cho sức khỏe. Các bà nội trợ hãy bỏ túi ngay 4 công thức nấu món ngon từ yến sào giúp tăng cường sức đề kháng thời điểm giao mùa sau đây để trổ tài cho cả gia đình cùng thưởng thức nhé!
Yến sào hầm đu đủ
1. Yến sào hầm đu đủ:
Nguyên liệu:
- 30g yến sào đã ngâm nở, rửa sạch, để ráo nước
- 1 trái đu đủ vừa chín tới
- 1 ly sữa tươi
- 40g đường phèn (có thể tăng giảm tùy khẩu vị mỗi người)
- 2 ly nước sôi
Chế biến:
- Bước 1: Rửa sạch trái đu đủ, để nguyên vỏ, cắt rời 2/5 theo chiều dọc của trái, lấy sạch ruột. Phần lớn của trái đu đủ còn lại sẽ là tô đựng yến, phần cắt rời sẽ làm nắp đậy. Bọc phần đu đủ này bằng giấy kiếng gói đồ ăn để đu đủ không bị vỡ khi hấp.
- Bước 2: Đun sôi hỗn hợp nước và đường phèn cho đến khi tan đường. Cho tổ yến, sữa tươi và nước đường vào trong đu đủ, đậy nắp và dùng tăm ghim lại cho chắc. Hấp khoảng 1 giờ là có thể dùng được.
Yến sào chưng dừa tươi
2. Yến sào chưng dừa tươi
Nguyên liệu:
- 10g yến sào đã ngâm nở, rửa sạch, để ráo nước
- 1 trái dừa xiêm
- 5 trái táo đỏ + 20 hạt kỷ tử
- 30g đường phèn
Chế biến:
- Rửa sạch táo đỏ và kỷ tử, cắt táo thành miếng nhỏ.
- Cắt phần trên của trái dừa xiêm thành 1 cái nắp, giữ lại phần nắp này, lấy bớt nước trong trái dừa ra cho khỏi bị tràn.
- Cho tổ yến, táo, kỷ tử, đường phèn vào trái dừa và bọc kín lại bằng giấy. Chưng cách thủy trong 30 phút là có thể dùng được.
Yến sào chưng lê
3. Yến sào chưng lê
Nguyên liệu:
- 1 quả lê tươi
- 2-4g yến sào đã ngâm nở, rửa sạch, để ráo nước
- 2 muỗng mật ong
- 1-2 lát gừng
Chế biến:
- Rửa sạch quả lê, gọt vỏ, cắt ngang phần đầu để tạo thành cái nắp, dùng muỗng để khoét bỏ phần ruột để tạo hình cái chén có thành khoảng 1-1,5cm (lưu ý không làm thủng đáy). Phần ruột lê cắt nhỏ như hạt lựu để chưng cùng tổ yến.
- Bỏ tổ yến và ruột lê vào quả lê, đậy nắp, bỏ vào một cái tô nhỏ và chưng cách thuỷ.
- Hòa tan hai muỗng mật ong với một chút nước, đợi khi tổ yến đã nở đều (sau khoảng 25-30 phút), đem rưới mật ong vào chén lê chưng, thêm 1-2 lát gừng rồi chưng thêm 5 phút nữa là có thể dùng được.
Yến sào hầm bí non
4. Yến sào hầm bí non
Nguyên liệu:
- 10g yến sào đã ngâm nở, rửa sạch, để ráo nước
- 1 quả bí non nhỏ
- Đường phèn (tuỳ khẩu vị) và nước lọc
Chế biến:
- Rửa sạch quả bí non, cắt ngang phần đầu làm nắp, lấy sạch hạt.
- Cho yến vào bên trong trái bí, cho thêm đường phèn và đổ nước lọc vừa tới mép trái bí, lượng nước thích hợp không vượt quá 70%-80% chiều cao của quả bí.
- Chưng cách thủy 30 phút là có thể dùng được.